Chuyện về ông chủ hãng sơn Gecko nổi tiếng

Chắc cũng chỉ có một ít các cụ cử tri trên dưới 80 tuổi ở thành phố cảng Hải Phòng có thể còn nhớ đến người đại biểu nổi tiếng của mình tại Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đó là ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko với logo đầy ấn tượng: một chú tắc kè đang uốn cong đuôi và bốn chân bám chắc lấy thân cây cổ thụ xù xì.

Nếu hãng sơn chỉ hoạt động ở thành phố Hải Phòng không thôi, chắc hẳn bà con nơi khác ít biết đến mặt hàng sơn nội hoá của hãng Gecko. Thế nhưng ở cửa ga Nam Định, và nhất là trên mặt tiền của cửa hàng Gecko chễm chệ giữa quảng trường ngã sáu chợ Hàng Da, phố Đường Thành (Hà Nội), ai ai đi qua hay vòng lại cũng phải chú ý ngắm nhìn lên “chú tắc kè” to lớn, da sần sùi mà bóng nhẫy mầu sơn xanh lá cây: “Đấy, cửa hàng chính của hãng sơn Gecko đấy”.

Và cũng do đó, ai ai qua lại ngã sáu tấp nập này của phố phường Thăng Long cổ cũng đều biết đến ông chủ hãng sơn “Tắc kè xanh”: đó là ông Nguyễn Sơn Hà.

Sống nhờ nghề, giàu nhờ nghiệp

Cũng như các ông Bạch Thái Bưởi, chủ hãng tàu khách chạy sông Hồng, ông Ngô Tử Hạ, chủ nhà in lớn phố Lam-blô (nay là phố Lý Quốc Sư, Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ sở nhật trình Trung Bắc Tân Văn, ông Nguyễn Sơn Hà xuất thân nghèo khổ. Tám tuổi bỏ làng ra tỉnh kiếm sống bằng mọi nghề vất vả nhất.

Rồi cậu bé kiếm được đồng vốn dắt lưng, và nhất là có con mắt tinh đời, có cái đầu biết nghĩ, cậu xin được làm một chân phụ thợ nề; từ chân thợ nề quét vôi trát vữa, cậu học lỏm được nghề sơn cửa, sớm nhận biết được bí quyết pha chế các loại sơn thế nào vừa mỏng lớp, lại vừa bền màu.

Rồi cậu chuyển ngay sang nghề mới: pha chế sơn, bán lẻ cho các tốp thợ mộc, thợ nề quanh năm suốt tháng có mặt ở các phố phường từ Lạch Tray lên Chợ Sắt đang nườm nượp mở cửa hàng bán buôn, bán lẻ.

Chẳng mấy chốc, các cửa hiệu và cả cửa kính, cửa chớp chạy dài Cầu Đất, Hàng Kênh cho đến Phố Khách, hai bờ Sông Lấp, chỗ nào cũng thấy thợ sơn ưa dùng và chọn mua hàng của “lò Sơn Hà”. Thế là đã đến lúc, cậu hùn vốn chung với mấy người làng, mở xưởng nấu và pha chế sơn. Ba năm sau, hãng sơn lớn do ông làm chủ đã hình thành và ngày càng khẳng định được thương hiệu.

Thời mới, ông chủ cũng đổi mới

Từ lâu, Nguyễn Sơn Hà ghét Tây, ghét Nhật. Nhưng nghĩ mình sức mỏng, thân cô thế yếu, thôi thì cứ vo tròn, lo phận mình chắt chiu, chỉ miễn sao “họ” để cho mình yên là ổn. Còn con trai sức dài vai rộng, cho nó đi theo Việt Minh tung tẩy với anh với em, cho xứng đáng là tu mi nam tử, trai thời loạn biết tung hoành cho phải đạo với nước non.

Cho đến hôm ông được nghe tin “Việt Minh đã vào Hà Nội rồi”, thì anh con trai toe toét cười, ôm lấy lưng ông: “Cha ơi, cách mạng về rồi! Anh em trên Đệ Tứ chiến khu đã đóng đầy bên Thuỷ Nguyên rồi. Cha cho đóng cửa nhà xưởng để anh em thợ thuyền kéo đi biểu tình đón quân Cách mạng về giành chính quyền thành phố đi”.

Ông lập tức làm theo ý con trai, và ngày hôm sau, 23 tháng 8 năm 1945, cùng với toàn thể anh chị em trong hãng sơn, hai cha con ông cùng đi trong hàng ngũ trùng điệp mười vạn con người thành phố Cảng giành chính quyền, đồng thời chào mừng Uỷ ban nhân dân lâm thời của thành phố.

Và chỉ năm ngày sau, ông nghe tin dã thành lập xong Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, mà trong danh sách các bộ trưởng, ông đã quen biết Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền và thân thiết nhất là Bộ trưởng Kinh tế quốc dân Nguyễn Mạnh Hà.

Cuối năm 1945, ông Nguyễn Sơn Hà được nhân dân Hải Phòng bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, ông Nguyễn Sơn Hà rất sung sướng tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá I, và rất tự hào cùng các đại biểu khác nhất trí thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Tháng 11 năm 1946, ông Nguyễn Sơn Hà tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về chuyến đi làm thượng khách của Chính phủ Pháp, và sau đó, cùng toàn thể đại biểu Quốc hội thảo luận từng điều rồi thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Theo TBKTVN